Là một tác phẩm vô cùng tiêu biểu trong nền văn học cách mạng Việt Nam nói chung và trong sự nghiệp sáng tác cống hiến không ngừng của nhà thơ Tố Hữu, bài thơ không chỉ là một bức tranh thiên nhiên ngày hè rộn ràng mà còn thay lời thế hệ thanh niên trẻ tuổi ngày ấy nói lên khao khát tự do cho chính mình và cho dân tộc trước cảnh thực dân Pháp xâm lược. Mời các em hãy cùng Hocmai tìm hiểu chi tiết soạn bài Khi con tu hú để có cái nhìn tổng quan nhất về tác phẩm này.
Tham khảo thêm:
Soạn bài Ông đồ
Soạn bài Quê hương
I. Soạn bài Khi con tu hú: Phần tìm hiểu chung
1. Tác giả Tố Hữu
– Nhà thơ Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920, mất năm 2002.
– Ông là một người con gốc Huế, cụ thể là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
– Nhà thơ Tố Hữu là một trong những cái tên vô cùng tiêu biểu trong nền văn học cách mạng Việt Nam. Ông là một thi sĩ, cũng là một chiến sĩ cách mạng lão làng khi giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Cả cuộc đời của nhà thơ Tố Hữu ông có rất nhiều đóng góp lớn cho cả văn học và sự nghiệp cách mạng nước nhà.
– Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Tố Hữu hoạt động và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng.
– Ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 về văn học nghệ thuật.
– Các tác phẩm nổi bật của nhà thơ Tố Hữu: tập thơ “Từ ấy” (1937 – 1946), tập thơ “Việt Bắc” (1947 – 1954), tập thơ “Gió lộng” (1955 – 1961), tập thơ “Ra trận” (1962 – 1971), tập thơ “Máu và hoa” (1972 – 1977) …
– Phong cách sáng tác của nhà thơ Tố Hữu đậm chất trữ tình chính trị, đầy cảm hứng lãng mạn ngọt ngào, chất thơ của ông thấm đượm tinh thần cách mạng cộng sản cùng một tình yêu quê hương đất nước dạt dào, say đắm.
2. Tác phẩm “Khi con tu hú”
2.1/ Hoàn cảnh sáng tác
Bài thơ “Khi con tu hú” là một tác phẩm theo thể thơ lục bát, được ra đời trong hoàn cảnh thời gian Tố Hữu – khi ấy còn là một thanh niên, chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi – bị thực dân Pháp bắt giữ và giam tại nhà tù Thừa Phủ vào tháng 7 năm 1939.
2.2/ Bố cục tác phẩm
Bài thơ gồm 10 câu, được chia thành 2 phần:
– Phần 1: 6 câu thơ đầu, đến “Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”: Một bức tranh phong cảnh thiên nhiên mùa hè đầy màu sắc và âm thanh sống động.
– Phần 2: 4 câu thơ còn lại: Tâm trạng bức bối, uất ức và niềm khao khát tự do của người tù chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi.
2.3/ Giá trị nội dung
Bài thơ “Khi con tu hú” không chỉ là một bức tranh thiên nhiên phong cảnh đẹp đẽ, màu sắc và rộn ràng ngày hè sang, mà còn là niềm khao khát tự do cháy bỏng của tác giả khi bị giam cầm trong nhà tù thực dân. Bài thơ cũng cho ta thấy một tâm hồn văn thơ vô cùng phong phú, một tinh thần yêu nước và niềm tin tưởng tuyệt đối vào con đường cách mạng đúng đắn của Đảng thời bấy giờ.
2.4/ Giá trị nghệ thuật
“Khi con tu hú” của nhà thơ Tố Hữu có rất nhiều hình ảnh, âm thanh và màu sắc quen thuộc của một làng quê đặc trưng Việt Nam ngày ấy. Sử dụng thể thơ lục bát thuần Việt đầy linh hoạt, uyển chuyển và nhịp thơ đa dạng 4/4, 4/2, 2/4, 6/2, 3/3, bài thơ đã truyền tải được cảm xúc và nỗi lòng của người chiến sĩ trẻ tuổi Tố Hữu: vừa sôi nổi nhiệt huyết, vừa day dứt, uất nghẹn khi phải chịu cảnh tù giam.
Câu 1 Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 20
Đề bài: Nên hiểu nhan đề bài thơ này như thế nào? Với bốn chữ đầu là “Khi con tu hú”, em hãy viết một câu văn ngắn gọn để tóm tắt nội dung bài thơ. Theo em vì sao tiếng tu hú kêu lại có sức tác động mạnh mẽ đến tâm hồn nhà thơ Tố Hữu đến vậy?
Hướng dẫn giải
* Về nhan đề bài thơ “Khi con tu hú”:
Nhan đề “Khi con tu hú” là một nhan đề khá đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ nó không đầy đủ chủ vị, đây là một trạng từ chỉ thời gian
→ Đây là một tựa đề rất mở, gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc.
* Về nội dung bài thơ:
Khi con tu hú cất tiếng cũng là lúc mùa hè đang đến dần, đánh thức khát khao cháy bỏng được tự do của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đang phải chịu áp bức và uất nghẹn trong chốn ngục.
⇒ Có thể thấy tiếng tu hú kêu có sức tác động rất mạnh mẽ đến nội tâm và tâm hồn nhà thơ khi ấy bởi chúng gợi cho ông nhớ về một mùa hè rực rỡ, sôi động, phóng khoáng và tưng bừng, trái ngược đối lập với cảnh tù chật chội nơi ông đang bị giam giữ.
Câu 2 Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 20
Đề bài: Em hãy nhận xét về cảnh mùa hè được miêu tả trong 6 câu thơ đầu bài thơ. Những chi tiết nào trong bài khiến em có nhận xét đó?
Hướng dẫn giải
6 câu thơ đầu của bài thơ “Khi con tu hú” là một bức tranh phong cảnh thiên nhiên vô cùng hấp dẫn và sinh động, thể hiện đầy đủ như một thước phim màu khi có đầy đủ màu sắc, âm thanh và hương vị đặc trưng ngày hè. Thước phim mùa hè làng quê Việt Nam ấy càng thêm cuốn hút khi tiếng chim tu hú gọi bầy cất lên báo hiệu mùa hè đã thật sự đến với cái rạo rực và đắm say.
* Các chi tiết cụ thể thể hiện vẻ đẹp và nhịp sống chuyển động của mùa hè:
– Màu sắc rực rỡ: màu vàng tươi của lúa chiêm, bắp rây, màu “đào” – nắng hồng của nắng ngày hè, màu của đủ loại trái cây sai đầy hấp dẫn, màu xanh của bầu trời cao rộng đầy khoáng đạt.
– Âm thanh: tiếng “gọi” của tu hú, tiếng “ve ngân” rộn rã, tiếng sáo diều vút cao lộn nhào trên không.
– Hương vị: mùi lúa đang chín thơm mùi ngọt sữa, vị ngọt của trái cây đang ương vàng như mời gọi khó cưỡng bay thoảng trong không gian.
→ Tất cả đã được nhà thơ Tố Hữu khắc họa nên bức tranh phong cảnh thiên nhiên làng quê Việt Nam ngày ấy bằng chất thơ vô cùng sống động, cuốn hút, tươi vui giàu sức sống.
→ Có thể cảm nhận rất rõ hồn thơ Tố Hữu rất tinh tế thể hiện sâu sắc tình yêu quê hương cuộc sống và niềm khao khát tự do mãnh liệt.
Câu 3 Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 20
Đề bài: Phân tích chi tiết tâm trạng của người tù – người chiến sĩ cách mạng được thể hiện ở 4 câu thơ cuối. Theo em vì sao tâm trạng của người tù khi nghe tiếng tu hú thể hiện ở đoạn thơ đầu và đoạn cuối rất khác nhau dù ở phần mở đầu và kết thúc bài thơ đều có âm thanh ấy?
Hướng dẫn giải
* Phân tích chi tiết tâm trạng của người tù – người chiến sĩ cách mạng trong 4 câu thơ cuối:
Trái ngược với 6 câu thơ đầu miêu tả bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam đầy sức sống và khoáng đạt, thì sang 4 câu thơ cuối của bài thơ “Khi con tu hú”, ta lại thấy được tâm trạng vô cùng bức bối, ngột ngạt, uất nghẹn của người tù – người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Tố Hữu.
– Nhà thơ đã sử dụng một loạt các động từ mạnh và từ cảm thán: “dậy”, “đạp tan”, “ngột”, “chết uất”, “ôi”, “thôi”, “cứ”, “làm sao” → tạo nên sắc thái mạnh, dứt khoát trong nỗi bức xúc cực đại.
– Cách ngắt nhịp bất thường trong câu 8 (ngắt 6/2) và câu 9 (ngắt 3/3) à như thể có một thứ gì đó chặn đứng cảm xúc đang dâng trào của tác giả, giống như bức tường ngục tù đang giam giữ nhà thơ.
* Trong cả hai phần đầu và cuối đều xuất hiện tiếng kêu của tu hú, song ý nghĩa của hai tiếng kêu này khác nhau:
– Ở phần đầu thơ, tiếng chim tu hú như một tín hiệu thông báo hè đang đến, một mùa hè đầy sôi động, màu sắc và vui tươi.
– Còn tiếng tu hú ở cuối bài thơ lại gợi lên sự bức bối, u uất vang vọng đánh vào tâm hồn nhà thơ, vừa khiến tâm trạng người chiến sĩ cách mạng thêm đau khổ vì bị mất tự do, vừa như lời thúc giục, tiếp thêm khao khát tự do cho người chiến sĩ ấy vốn đang cháy bùng trong cảnh ngục tù.
Câu 4 Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 20
Đề bài: Theo em, cái hay nổi bật của bài thơ được thể hiện ở những đặc điểm nào?
Hướng dẫn giải
Cái hay hấp dẫn của bài thơ “Khi con tu hú” được thể hiện qua những đặc điểm sau:
– Về nội dung: Bài thơ là một bức tranh phong cảnh thiên nhiên mùa hè đầy sôi động và tươi vui khi có đầy đủ màu sắc, âm thanh và hương vị đánh thức mọi giác quan của người đọc. Cùng với đó là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống dạt dào cũng như khao khát được tự do mãnh liệt đến cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đang phải chịu cảnh tù đày.
– Về nghệ thuật: Bài thơ sử dụng thể thơ lục bát quen thuộc, nhịp thơ nhịp nhàng, độc đáo, kết hợp với những hình ảnh thường xuất hiện trong khung cảnh làng quê Việt Nam gần gũi càng đem đến cho người đọc sự thân thuộc đầy cảm xúc của nhà thơ.
Trên đây là phần soạn bài Khi con tu hú của nhà thơ Tố Hữu. Hocmai rất mong rằng phần soạn bài chi tiết này nói riêng cũng như bộ tài liệu Soạn văn 8 nói chung sẽ giúp các em học sinh có được phần chuẩn bị bài học đầy đủ và nhanh chóng nắm bắt được những nội dung chính trong bài. Chúc các em thành công!