HOÀNG DƯƠNG - Ngày 22/07/2020 14:00 PM (GMT+7)

Đã 7 năm kể từ khi nam ca sĩ Wanbi Tuấn Anh qua đời vì căn bệnh u tuyến yên, nhiều người vẫn không khỏi tiếc nuối cho một tài năng trẻ đã ra đi ở độ tuổi 26.

Ngày 21/7/2013, nam ca sĩ trẻ Wanbi Tuấn Anh qua đời sau một thời gian chống chọi với căn bệnh u tuyến yên. Sự ra đi của nam ca sĩ trẻ đầy tài năng khiến nhiều người không khỏi tiếc thương. 

Wanbi Tuấn Anh tên thật là Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1987. Anh bắt đầu được chú ý khi tham gia cuộc thi Hot Vteen dành cho giới trẻ. Trên con đường tham gia nghệ thuật, Wanbi Tuấn Anh nhanh chóng tỏa sáng với nhiều bài hit do chính anh tự sáng tác hoặc của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong như: Đôi mắt, Cho em, Vụt mất, Mãi yêu em... 

Năm 2009, Wanbi còn giành được giải Ca sĩ trẻ triển vọng của giải Làn Sóng Xanh. Ngoài vai trò ca sĩ, anh còn từng làm người mẫu và tham gia cả vào mảng điện ảnh với các bộ phim như Áo cưới thiên đường và Bóng ma học đường.

Nam ca sĩ Wanbi Tuấn Anh qua đời vì căn bệnh u não.

Trẻ tuổi và đầy tài năng nhưng Wanbi Tuấn Anh không may mắc phải căn bệnh u não. Tháng 10/2012 thông tin Wanbi Tuấn Anh phải nghỉ ca hát do bị u não đã khiến cả giới showbiz không khỏi bất ngờ. Khối u ở tuyến yên đã làm ảnh hưởng đến một bên mắt của anh không nhìn thấy gì. Sau một thời gian, bệnh trở nặng và gây nguy cơ tiếp theo với con mắt còn lại. Cuối cùng vào ngày 21/7/2013, nam ca sĩ qua đời ở độ tuổi 26. 

U tuyến yên có nguy hiểm không?

Khối u tuyến yên là sự tăng trưởng bất thường phát triển trong tuyến yên. Một số khối u tuyến yên dẫn đến việc sản xuất quá nhiều hormone điều chỉnh các chức năng quan trọng của cơ thể. Một số khối u tuyến yên có thể khiến tuyến yên sản xuất quá ít hormone. Hầu hết các khối u tuyến yên là tăng trưởng không ung thư (lành tính). 

Có nhiều cách phân loại u tuyến yên. Phân loại dựa theo tế bào tiết nội tiết tố (như đã mô tả trong phần sinh bệnh học) chia u tuyến yên thành hai nhóm u tăng tiết và u không tăng tiết.

Phân loại u tuyến yên dựa theo kích thước cũng chia thành hai nhóm. Các khối u tuyến yên lớn - có kích thước khoảng 1cm hoặc lớn hơn - được gọi là macroadenomas. Các khối u nhỏ hơn được gọi là microadenomas. Do kích thước của khối u tuyến yên lớn thường khá lớn nên chúng có thể gây áp lực lên tuyến yên và các cấu trúc gần đó.

Hầu hết u tuyến yên lành tính.

Dấu hiệu u tuyến yên

Không phải tất cả các khối u tuyến yên đều gây ra triệu chứng. Các khối u tuyến yên tiết hormone (còn gọi là khối u hoạt động – functioning) có thể gây ra rất nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, phụ thuộc vào tác động của loại hormone mà khối u tuyến yên sản xuất ra.

Dấu hiệu của khối u tuyến yên không tiết ra hormone (còn gọi là khối u không hoạt động – nonfunctioning) có liên quan đến sự phát triển của khối u và những áp lực mà khối u này tạo ra với các phần não điều khiển các cấu trúc khác của cơ thể, chẳng hạn như mắt.

Theo BS. Chu Tấn Sỹ, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV Nhân dân 115, dấu hiệu nhận biết bệnh u tuyến yên bao gồm:

- Đau đầu

- Mất thị giác ngoại vi hoặc giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt

- Buồn nôn (có hoặc không có nôn)

- Mệt mỏi hoặc mau mệt

- Đau khớp

- Tăng kích cỡ giày hoặc nhẫn, biến dạng đầu chi

- Sự phát triển của bệnh huyết áp hoặc đái tháo đường

- Suy giảm trí tuệ

- Hoa mắt, chóng mặt.

Khối u tuyến yên thường sẽ không ác tính hoặc lan rộng sang các phần khác của cơ thể. Tuy nhiên, do tuyến yên có vị trí nằm giữa nền não và có chức năng đặc biệt quan trọng trong sản xuất hormone điều hòa rất nhiều hoạt động của cơ thể, nên khối u tuyến yên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, và có thể gây ra:

Giảm thị lực: Khối u tuyến yên có thể gây tăng áp lực lên các dây thần kinh thị giác, gây suy giảm thị lực hoặc mất thị lực ở 1 hoặc cả 2 bên mắt.

Thiếu hormone vĩnh viễn: Sự có mặt của khối u tuyến yên hoặc việc phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến việc sản xuất ra hormone, và có thể sẽ khiến bạn cần phải sử dụng các loại thuốc thay thế hormone suốt đời.

Một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm của khối u tuyến yên là ngập máu tuyến yên. Đây là tình trạng khối u bỗng nhiên xuất huyết, chảy máu. Bạn sẽ nhận thấy mình có một cơn đau đầu đau nhất từ trước đến giờ. Ngập máu tuyến yên là một tình trạng cấp cứu có tể đe dọa đến tính mạng, cần phải được điều trị bằng corticosteroid và có thể là cả phẫu thuật.

Những triệu chứng lâm sàng của u não thường dễ bị cha mẹ bỏ qua, trì hoãn việc điều trị tốt nhất cho trẻ và làm tăng khó khăn cho việc chữa bệnh.

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ung thư